Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

Doanh nghiệp đồ gỗ Italy giúp Doanh nghiệp đồ gỗ Việt nam

Chương trình kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Italy tổ chức ngày 27/5 tại TPHCM do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), Phòng Thương mại và Công nghiệp tỉnh Pordenone (Italy) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Italy tại Việt Nam (ICHAM) phối hợp tổ chức. Đây là chương trình kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Italy tạo ra các cơ hội giao thương giữa doanh nghiệp hai nước trong ngành gỗ.

Italy có thế mạnh về thiết bị, máy móc chế biến đồ gỗ, trong khi Việt Nam có thế mạnh về sản xuất đồ gỗ. Vì vậy, việc tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước sẽ làm tăng năng lực cạnh tranh sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

 Doanh nghiệp đồ gỗ Italy giúp Doanh nghiệp đồ gỗ Việt nam

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch HAWA cho biết, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ năm 2012 đạt 4,67 tỷ USD, tăng 17,9%. Riêng 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ đạt 1,57 tỷ USD.

Trong chương trình nhiều doanh nghiệp Italy cho biết có thể giúp cho doanh nghiệp Việt Nam đồ gỗ và cơ khí được vay tín dụng trong thời gian 3 năm với lãi suất thấp để đầu tư thiết bị máy móc.

Theo chinhphu.vn

Thuế xuất khẩu dăm gỗ sắp điều chỉnh từ 0% lên 5%

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về việc nâng mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng dăm gỗ từ 0% lên 5% và nhận được sự đồng tình của các doanh nghiệp ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và sản xuất giấy.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores), cho hay hiệp hội đã nhiều lần gửi công văn đến các bộ ngành có liên quan đề nghị hạn chế tình trạng khai thác gỗ non để băm dăm xuất khẩu vì hầu như không gặp phải rào cản thuế quan nào.

Theo ông Quyền, gỗ rừng trồng hiện nay còn không đủ phục vụ cho ngành sản xuất ván nhân tạo và sản xuất giấy, chưa nói đến phục vụ cho ngành chế biến gỗ.

Theo phản ánh của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, hiện nay các nhà máy giấy phía Bắc gặp rất nhiều khó khăn trong thu mua nguyên liệu gỗ, dăm gỗ để sản xuất bột giấy do hoạt động xuất khẩu dăm gỗ tăng mạnh.

 Thuế xuất khẩu dăm gỗ sắp điều chỉnh từ 0% lên 5%

Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy, ngành giấy cần khoảng 822.000 tấn bột giấy nguyên liệu để sản xuất, trong đó có trên 50 nhà máy sản xuất bột giấy với lượng sản xuất khoảng 480.000 tấn bột giấy/năm, còn lại là phải nhập khẩu.

Hiệp hội dẫn trường hợp Công ty cổ phần giấy An Hòa, năm 2013 nhà máy đạt công suất thiết kế là 130.000 tấn bột/năm, tương đương với 53.900 tấn gỗ nguyên liệu trong 1 tháng. Tuy nhiên từ những tháng đầu năm, mỗi tháng nhà máy chỉ mới mua được 48% nguyên liệu cần thiết từ nguồn trong nước do một số lượng lớn dăm gỗ đã dành cho xuất khẩu.

Theo ông Quyền, mặc dù xuất khẩu dăm gỗ giúp người trồng rừng bán được giá cao hơn nhưng vẫn là xuất khẩu nguyên liệu thô nên hiệu quả kinh tế không cao. Doanh nghiệp trong nước thiếu nguyên liệu để sản xuất dẫn đến tình trạng cạnh tranh thu gom nguyên liệu, khai thác rừng non để băm dăm, chu kỳ trồng rừng bị rút ngắn.

Căn cứ quy định hiện hành và tình hình thực tế về nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất giấy trong nước, theo Bộ Tài chính việc hạn chế xuất khẩu dăm gỗ như ý kiến của Bộ Công Thương cần thiết để tránh khai thác rừng non để băm dăm, chu kỳ trồng rừng bị rút ngắn và một phần giữ nguyên liệu cho sản xuất giấy trong nước. Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị nâng mức thuế xuất khẩu dăm từ 0% lên 5%.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu dăm gỗ tăng đều qua các năm. Cụ thể năm 2010, số lượng xuất khẩu dăm gỗ đạt 4,13 triệu tấn, thu về 459,5 triệu đô la Mỹ. Năm 2011 xuất khẩu dăm gỗ đạt 5,4 triệu tấn, trị giá 703,3 triệu đô la Mỹ. Năm 2012, số lượng xuất khẩu dăm gỗ đạt 6,1 triệu tấn, giá trị 827,6 triệu đô la Mỹ. Trong quí 1-2013, số lượng xuất khẩu dăm gỗ đạt 1,6 triệu tấn, thu về 220,1 triệu đô la Mỹ.


thesaigontimes